Nghiên cứu trao đổi

VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ THÀNH CHO CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT BÊ TÔNG

Tiêu đề VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ THÀNH CHO CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT BÊ TÔNG Ngày đăng 2021-04-05
Tác giả Admin Lượt xem 1902

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 207, Tháng 12/2020 của Ths.Vương Thị Hương, Ths.Chu Thị Thu Hằng – Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Vương Đăng Khánh Linh, Lê Thị Hoàng Liên – Học viên lớp K4CH2KT21, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải}.

(Email: banbientapvaa@gmail.com)

– Theo BBT 


Kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm là khâu quan trọng của kế toán, giúp doanh nghiệp biết rõ giá thành sản phẩm do mình sản xuất ra là bao nhiêu, cao hay thấp. Đồng thời, kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm còn cho nhà quản trị biết rõ cơ cấu chi phí tạo ra sản phẩm của mình. Trên cơ sở phân tích các chi phí, doanh nghiệp biết được những tỷ trọng các chi phí trong sản xuất, từ đó có kế hoạch điều chỉnh kịp thời đảm bảo sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành sản phẩm thấp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Nội dung phương pháp tính giá thành trong doanh nghiệp sản xuất
Phương pháp tính giá thành sản phẩm sản xuất là phương pháp sử dụng số liệu về chi phí sản xuất, để tính toán ra tổng giá thành và giá thành đơn vị thực tế của sản phẩm hoặc lao vụ đã hoàn thành theo các yếu tố hoặc khoản mục giá thành trong kỳ tính giá thành đã được xác định.

Trong đó, thời kỳ tính giá thành là thời kỳ bộ phận kế toán giá thành cần phải tiến hành công việc tính giá thành đã được xác định. Tùy theo đặc điểm của từng đối tượng tính giá thành và mối quan hệ giữa các đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành mà kế toán phải lựa chọn, sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp thích hợp để tính giá thành cho từng đối tượng. Trong các doanh nghiệp (DN) sản xuất thường áp dụng các phương pháp tính giá thành sản xuất theo công việc. Đối với DN có quy trình công nghệ sản xuất giản đơn, gồm các phương pháp; phương pháp tính giá thành trực tiếp (phương pháp giản đơn); phương pháp tính giá thành theo hệ số; phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ; phương pháp tính giá thành loại trừ chi phí sản xuất sản phẩm phụ.
Đối với DN có quy trình công nghệ sản xuất phức tạp kiểu chế biến liên tục, gồm các phương pháp (phương pháp tính giá thành phân bước có tính giá thành nửa thành phẩm; phương pháp tính giá thành phân bước không tính giá thành nửa thành phẩm).

Phương pháp tính giá thành sản xuất theo công việc (đơn đặt hàng)
– Áp dụng đối với các DN sản xuất sản phẩm đơn chiếc hoặc sản xuất hàng loạt với khối lượng nhỏ theo đơn đặt hàng.
– Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là từng đơn đặt hàng. Đối tượng tính giá thành là từng đơn đặt hàng hoàn thành. Mỗi đơn hàng được mở riêng một phiếu tính giá thành.
– Các khoản chi phí sản xuất liên quan trực tiếp đến từng đơn đặt hàng được tập hợp trực tiếp cho từng đơn đặt hàng. Những chi phí sản xuất liên quan đến nhiều đơn đặt hàng trước hết được tập hợp theo từng địa điểm phát sinh chi phí, sau đó tiến hành phân bổ chi phí cho từng đơn đặt hàng theo tiêu thức phân bổ hợp lý.

Phương pháp tính giá thành sản phẩm đối với DN có quy trình công nghệ sản xuất giản đơn
* Phương pháp tính giá thành trực tiếp (phương pháp giản đơn)
– Điều kiện áp dụng: Áp dụng trong trường hợp quy trình công nghệ là khép kín từ khi sản xuất đến khi tạo thành sản phẩm, kết thúc quá trình sản xuất tạo ra một loại sản phẩm, đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm, đối tượng tính giá thành là khối lượng sản phẩm hoàn thành của quy trình sản xuất đó.
– Nội dung: Công thức tính toán theo phương pháp này như sau:
+ Giá thành toàn bộ sản phẩm
Z = Dđk + C – Dck
+ Giá thành trên 1 đơn vị sản phẩm (z)
Z = Z/Qht
* Phương pháp tính giá thành theo hệ số
– Điều kiện áp dụng: Áp dụng trong trường hợp quy trình sản xuất sử dụng cùng một loại nguyên vật liệu chính, kết thúc tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là toàn bộ quy trình công nghệ, đối tượng tính giá thành là từng loại sản phẩm riêng biệt.
– Trình tự tính giá thành: Được tiến hành theo các bước sau:
+ Bước 1: Tập hợp chi phí sản xuất của toàn bộ quy trình công nghệ quy đổi theo sản phẩm chuẩn (QH)
QH = QAHA + QBHB + QCHC
+ Bước 2: Tính tổng CPSX liên quan đến sản phẩm hoàn thành (Cht)
Cht = Dđk+ C – Dck
+ Bước 3: Tính giá thành từng loại sản phẩm
ZA = (Dđk + C – Dck) x (QAHA/QH)
ZB = (Dđk + C – Dck) x (QBHB/QH)
ZC = (Dđk + C – Dck) x (QCHC/QH)
Trong đó:
QA, QB, QC: Lần lượt là khối lượng sản phẩm hoàn thành của sản phẩm A, B, C
HA, HB, HC: Lần lượt là hệ số tương ứng của sản phẩm A, B, C
QH: Tổng sản phẩm chuẩn
Cht : Tổng chi phí sản xuất liên quan đến sản phẩm hoàn thành
Hệ số có thể được xác định theo quy định của từng ngành hoặc dựa trên cơ sở giá thành đơn vị kế hoạch.
* Phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ
– Điều kiện áp dụng: Áp dụng trong trường hợp quy trình sản xuất ra nhiều loại sản phẩm có quy cách, phẩm chất khác nhau hoàn toàn. Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là nhóm sản phẩm cùng loại. Đối tượng tính giá thành là từng quy cách sản phẩm trong nhóm.
– Trình tự tính giá thành: Được tiến hành theo các bước sau:
+ Bước 1: Tập hợp chi phí sản xuất của toàn bộ quy trình sản xuất, tính chi phí sản xuất của các nhóm sản phẩm đã hoàn thành.
+ Bước 2: Xác định tiêu thức phân bổ giá thành. Tiêu chuẩn phân bổ giá thành có thể là giá thành định mức hoặc giá thành kế hoạch xác định theo sản lượng thực tế:
Tiêu chuẩn phân bổ cho quy cách sản phẩm i (TAi) = Sản lượng thực tế của quy cách sản phẩm i x Giá thành định mức (kế hoạch) của 1 sản phẩm i
+ Bước 3: Xác định tỷ lệ tính giá thành (t %)

Ngoài ra, tỷ lệ giá thành có thể xác định theo từng khoản mục chi phí hoặc cho tất cả các khoản mục chi phí.
+ Bước 4: Xác định giá thành từng quy cách sản phẩm (ZAi):
ZAi = t x TAi

Phương pháp tính giá thành phân bước (DN có quy trình công nghệ chế biến phức tạp)
Trong các DN sản xuất phức tạp kiểu chế biến liên tục, quy trình công nghệ gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định, mỗi giai đoạn tạo ra một loại bán thành phẩm và bán thành phẩm của bước trước là đối tượng hay nguyên liệu chế biến của bước sau và tiếp tục như vậy tạo ra thành phẩm. Theo phương pháp này, chi phí sản xuất phát sinh thuộc giai đoạn nào sẽ được tập hợp cho giai đoạn đó. Riêng với chi phí sản xuất chung, sau khi được tập hợp theo phân xưởng sẽ được phân bổ cho các bước theo tiêu thức phù hợp.
Tùy theo tính chất hàng hóa của bán thành phẩm và yêu cầu của công tác quản lý, chi phí sản xuất có thể được tập hợp theo phương án có bán thành phẩm và phương án không có bán thành phẩm.
* Phương pháp tính giá thành sản phẩm phân bước có tính giá thành bán thành phẩm.
Phương pháp này áp dụng ở các DN có yêu cầu hạch toán kế toán nội bộ cao hoặc bán thành phẩm sản xuất ở các bước, có thể dùng làm thành phẩm bán ra ngoài. Đặc điểm của phương pháp này là khi tập hợp chi phí sản xuất của các giai đoạn công nghệ, giá trị của bán thành phẩm của các bước trước chuyển sang bước sau được tính theo giá thành thực tế. Việc tính giá thành phải tiến hành lần lượt từ bước 1 sang bước 2,… cho đến bước cuối cùng tính ra giá thành thành phẩm nên phương pháp này còn gọi là kết chuyển tuần tự.
Tiếp theo, căn cứ vào giá thành thực tế của bán thành phẩm ở giai đoạn 1 đã tính chuyển sang giai đoạn 2 và các chi phí chế biến đã tập hợp được ở giai đoạn 2 để tính Z và z bán thành phẩm hoàn thành ở giai đoạn 2.
Có 2 cách kết chuyển tuần tự:
– Kết chuyển tuần tự tổng hợp: Giá thành bán thành phẩm ở giai đoạn trước chuyển sang giai đoạn sau bằng con số tổng hợp. Cách tính này nhanh nhưng không phản ánh rõ từng khoản mục chi phí, do đó ít sử dụng.
– Kết chuyển tuần tự từng khoản mục: Giá thành bán thành phẩm ở giai đoạn trước, chuyển sang giai đoạn sau theo từng khoản mục chi phí để có thể tính nhập vào khoản mục chi phí tương ứng ở giai đoạn sau. Cách tính này khối lượng tính toán nhiều, nhưng giá thành bán thành phẩm và thành phẩm ở giai đoạn cuối được phản ánh theo từng khoản mục chi phí, thường được sử dụng nhiều.
* Phương pháp tính giá thành sản phẩm phân bước không tính giá thành bán thành phẩm bước trước.
Phương pháp này áp dụng ở các DN có yêu cầu hạch toán kế toán nội bộ không cao hoặc bán thành phẩm sản xuất ở các bước không bán ra ngoài thì chi phí sản xuất phát sinh của các giai đoạn công nghệ được tính nhập vào giá thành thành phẩm một cách song song, nên được gọi là phương pháp kết chuyển song song. Theo phương pháp này, kế toán không cần tính giá thành của bán thành phẩm hoàn thành trong từng giai đoạn, mà chỉ tính giá thành thành phẩm bằng cách tổng hợp chi phí nguyên vật liệu chính và các chí phí chế biến khác trong các giai đoạn công nghệ.
Có thể thực hiện các bước tính giá thành như sau
Bước 1: Xác định chi phí sản xuất của từng giai đoạn trong thành phẩm
Chi phí sản xuất giai đoạn n trong thành phẩm = [(Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ giai đoạn n + Chi phí sản xuất giai đoạn n)/Sản lượng hoàn thành giai đoạn n] x Sản lượng sản phẩm hoàn thành của toàn bộ quy trình
Bước 2: Tính giá thành của sản phẩm hoàn thành
Z thành phẩm = CPSX gdd + CPSXgdd + … + CPSXgđn

Thực trạng phương pháp tính giá thành trong các DN sản xuất bê tông
Đối tượng tính giá thành là căn cứ để kế toán tổ chức các bảng tính giá thành sản phẩm, lựa chọn phương pháp tính giá thành thích hợp, tổ chức công việc tính giá thành hợp lý, phục vụ việc kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch tài chính.
Do đặc điểm của quy trình công nghệ sản xuất bê tông thương phẩm, các DN này thường lựa chọn đối tượng tính giá thành là từng loại sản phẩm (mác bê tông) sản xuất của DN. Kỳ tính giá thành tại DN thường là tháng.
Do đặc điểm sản xuất của bê tông tươi là thời gian đông cứng nhanh, do đó sau khi bê tông được trộn xong được tiến hành kiểm tra và phải vận chuyển luôn đi cho khách hàng để đảm bảo chất lượng của bê tông nên không có sản phẩm làm dở cuối kỳ. Vì vậy, tổng chi phí sản xuất trong kỳ bằng tổng giá thành của sản phẩm.
Hiện nay, các DN sản xuất bê tông thực hiện tính giá thành sản phẩm dựa trên giá thành định mức đã được xây dựng từ trước. Giá thành định mức này được DN xây dựng rất cẩn thận, chặt chẽ và được xây dựng theo từng thời kỳ phụ thuộc vào sự biến đổi giá cả trên thị trường.
Do đặc điểm của bê tông tươi là thời gian đông cứng nhanh nên sản phẩm sản xuất ra sẽ được vận chuyển luôn đi cho khách hàng nên việc nhập kho vật tư, xuất kho vật tư chỉ được thực hiện trên giấy tờ, chứ thực tế sản phẩm không qua nhập kho và cuối tháng thì không có sản phẩm tồn kho.
Vận dụng các phương pháp tính giá thành cho các DN sản xuất bê tông
Như phân tích ở trên, do đặc tính bê tông tươi là thời gian đông cứng nhanh, các DN sản xuất sản phẩm này sẽ không có giá trị sản phẩm dở đầu kỳ và cuối kỳ. Do vậy, tổng chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ bao gồm (chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung) chính là giá thành sản phẩm. Vận dụng phương pháp tính giá thành như thế nào để đảm bảo tính chính xác và phù hợp đang là vấn đề của các DN sản xuất bê tông hiện nay.
Các DN vẫn áp dụng phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ, phương pháp này có ưu điểm xong cũng còn nhiều hạn chế. Theo nhóm tác giả, các DN sản xuất bê tông nên tùy theo tình hình thực tế của DN mình để lựa chọn phương pháp tính giá thành cho phù hợp.
Ngoài phương pháp tỷ lệ áp dụng cho các mác bê tông khác nhau, DN có thể lựa chọn tính giá thành theo đơn đặt hàng, đây là phương pháp đơn giản, vẫn đảm bảo được độ chính xác cao, đảm bảo theo yêu cầu quản lý của nhà quản trị.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2015). Luật số 88/2015/QH13 về Luật Kế toán bán hàng ngày 20/11/2015, NXB Tài chính.
2. Huỳnh Lợi (2009). Kế toán chi phí, NXB Giao thông vận tải.
3. Bộ Tài chính (2014). Chế độ kế toán DN Việt Nam, NXB Thống Kê.
4. Bộ Tài chính (2011), 26 Chuẩn mực kế toán – NXB Lao động.
5. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chế độ kế toán DN.
6. Luật Kế toán (2015).
7. Ngô Thế Chi, Phạm Thị Thu Thủy (2015), Giáo trình Kế toán tài chính, NXB Tài chính.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *