Nghiên cứu trao đổi

Ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng

Tiêu đề Ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng Ngày đăng 2021-09-09
Tác giả Admin Lượt xem 1101

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 212, Tháng 5/2021 của PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên và ThS. Võ Hồng Tâm – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng}

Đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của thành phố đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mẫu nghiên cứu gồm 480 doanh nghiệp được thu thập ngẫu nhiên, bao gồm nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tác giả sử dụng các kỹ thuật: phân tích nhân tố khám phá (EFA), hồi quy tuyến tính bội (OLS) để xử lý dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố các chính sách hỗ trợ của chính quyền và cơ sở hạ tầng của địa phương tác động thuận đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Từ khóa: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, thành quả hoạt động của doanh nghiệp.
Abstract
This paper investigates the influence of Government support policies and infrastructure on Firm Performance in Danang City. Our sample data consists of 480 observations including many types and many fields of business. After Using statistical techniques: Exploratory Factor Analysis (EFA), multiple linear regression (OLS) to process data. The research results show that Government support policies and infrastructure positively affect on perceived performance of enterprises in Danang city.
Key words: Government support policies, infrastructure, Firm performance.



1. Đặt vấn đề
Dù theo mô hình kinh tế thị trường tự do hay mô hình kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì chính sách hỗ trợ của chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN), của nền kinh tế. Những biểu hiện cụ thể của chính sách hỗ trợ chính phủ thông qua chính sách về thuế thu nhập DN, các chính sách liên quan đến phí và lệ phí. Đó còn là chính sách về điều hành tỷ giá ngoại tệ (thả nổi hay kiểm soát trong khung xác định), chính sách lãi suất ngân hàng. Chúng ta không thể phủ nhận một DN nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, cơ hội tăng trưởng của DN sẽ cao hơn.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ đối với các DN một cách trực tiếp, thì sự hỗ trợ gián tiếp thông qua việc chính phủ đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, thương mại, giáo dục, y tế… sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các DN.

Tuy nhiên, nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chính sách hỗ trợ DN đến thành quả hoạt động của DN ở các nước có nền kinh tế đang phát triển còn khá mới. Đa phần nghiên cứu chỉ đề cập đến chính sách hỗ trợ DN của chính phủ mang tính chất chung chung.

Mbugua và Moronge (2016) nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách của chính quyền địa phương gồm: chính sách thuế, chính sách cấp phép đăng ký kinh doanh, chính sách đào tạo nhân lực, chính sách hỗ trợ tài chính (vốn) đến thành quả các DN vừa và nhỏ ở Kenya. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, thuế càng cao thì thành quả DN càng thấp, tương tự với nhân tố cấp phép đăng ký kinh doanh. Hai nhân tố còn lại là chính sách đào tạo nhân lực và hỗ trợ vốn, tác động thuận đến thành quả.

Một nghiên cứu khác về vai trò các chính sách của chính phủ, gồm hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế và các chính sách hỗ trợ DN khác (vườn ươm) đến việc hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ở Anbani do Kraja và cộng sự (2014) thực hiện chỉ ra các nhân tố này tác động thuận đến thành quả DN.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế theo đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò điều tiết của Nhà nước càng có ý nghĩa và tác động rất lớn đến hoạt động của các DN, kể cả các DN ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác động của chính sách hỗ trợ chính phủ đến thành quả hoạt động còn chưa tương xứng. Có thể tổng quan một số công trình tiêu biểu như sau:

Hansen và cộng sự (2009) nghiên cứu sự tác động các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến sự tăng trưởng và sống còn của các DN ở Việt Nam, giai đoạn 1990 – 2000, với 4 chính sách được sử dụng: Sự tư vấn về ngành nghề kinh doanh, hỗ trợ xin giấy phép đăng ký kinh doanh, hỗ trợ tín dụng trực tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các chính sách hỗ trợ của chính phủ có tác động thuận chiều đến thành quả của DN.

Phan Thị Minh Lý (2011) nghiên cứu tác động ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động kinh doanh của các DN vừa và nhỏ ở Thừa Thiên – Huế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra nhân tố chính sách địa phương, chính sách vĩ mô đều tác động thuận đến kết quả hoạt động của DN. Trong đó, các chính sách địa phương là các chính sách liên quan đến chính sách hỗ trợ của địa phương, thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, thủ tục thuê đất và hỗ trợ từ hiệp hội DN. Chính sách vĩ mô gồm: chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hệ thống luật pháp và chính sách thuế. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011).

Cũng liên quan đến sự hỗ trợ của chính phủ, Vixathep và Matsunaga (2015) cũng đã cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đóng góp rất lớn vào thành quả hoạt động của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Như vậy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với những đầu tư về hạ tầng, đường sá cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của các DN.

Kết quả các nghiên cứu trên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng các chính sách hỗ trợ DN của chính quyền địa phương cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng của các địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến thành quả hoạt động của các DN.

Thêm vào đó, Đà Nẵng là một trong 3 thành phố lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội của cả nước. Trong những năm qua, chính quyền thành phố rất chú trọng đến việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để các DN phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XXI, của Đảng Bộ thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo nào đầy đủ về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN cũng như cơ sở hạ tầng thành phố đóng góp thế nào cho sự phát triển của các DN trên địa bàn. Với các lý do nêu trên việc nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ DN và cơ sở hạ tầng của Thành phố Đà Nẵng là cần thiết.

2. Phương pháp và mô hình nghiên cứu
2.1 Giả thuyết nghiên cứu
Các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và thành quả hoạt động của DN
Lý thuyết dựa trên thị trường (market-based view) bắt nguồn từ Mason (1939), Bain (1956), cho rằng sự thành công của một tổ chức không chỉ phụ thuộc vào các đặc tính bên trong của DN mà còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh. Vai trò của các chính sách hỗ trợ DN từ Chính phủ đối với thành quả hoạt động của DN là rất lớn. Các nghiên cứu của Mbugua và Moronge (2016), Kraja và cộng sự (2014) đã kiểm chứng được ảnh hưởng này.

Trong những năm vừa qua, chính quyền Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các DN có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, để từ đó có thể đầu tư cải tiến thay đổi công nghệ sản xuất; chính quyền thành phố thực hiện các biện pháp miễn, giảm tiền thuê đất kinh doanh,… Điều này đã giúp DN giảm được đáng kể chi phí sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, các chính sách đào tạo nghề cho người lao động cho DN, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại,… tạo nên nguồn lực vô hình to lớn, cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng mới.
Với lý thuyết và kết quả thực nghiệm trên, tác giả kỳ vọng:
H 1: Các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương tác động thuận đến thành quả hoạt động của DN.
Cơ sở hạ tầng của địa phương và thành quả DN
Cơ sở hạ tầng bao gồm: hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, thương mại, giáo dục,… Các yếu tố này tác động lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. Dễ dàng nhận thấy, khi DN ở vị trí thuận lợi về giao thông: gần đường bộ, thủy, sắt, hàng không DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí liên quan đến lĩnh vực Logistics, hay hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố thuận lợi, sẽ tạo điều kiện cho DN thu nhận, xử lý thông tin. Qua đó, rút ngắn được thời gian phục vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến khách hàng,…

Thành phố Đà Nẵng là một trong ba thành phố lớn nhất của cả nước, với vị trí địa lý rất thuận lợi về mặt giao thông cả đường sắt, bộ, lẫn hàng không. Bên cạnh đó, trong những năm qua, kể từ khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành phố luôn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, công nghệ thông tin,… Việc phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố trong tương lai rất được Đại hội XXI của Đảng Bộ thành phố quan tâm. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có:
– Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt.
– Phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, tương xứng với vị thế trung tâm kinh tế – xã hội; tập trung xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Với những yếu tố trên, giả thuyết đặt ra là:
H2: Cơ sở hạ tầng của thành phố tác động thuận đến thành quả hoạt động của các DN.

2.2 Mô hình nghiên cứu
Sau khi khảo sát các mô hình nghiên cứu thực nghiệm của các giả đã công bố trong và ngoài nước, tác giả chọn mô hình hồi quy tuyến tính.
Mô hình nghiên cứu dạng tổng quát: Y = β0 + β1X1 + β2X2 + ε
Trong đó:
Y: Thành quả
X1: Các chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố.
X2: Cơ sở hạ tầng của thành phố.

2.3. Đo lường các biến nghiên cứu

Đo lường biến các chính sách hỗ trợ DN của chính quyền địa phương.
Chính sách hỗ trợ của chính phủ, chính quyền dịa phương luôn ảnh hưởng lớn đến thành quả hoạt động của các DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ khi mà các nguồn lực nội tại của DN không đủ lớn để cạnh tranh công bằng với các DN khác trong và ngoài nước. Mỗi địa phương, tùy thuộc vào định hướng phát triển trong từng giai đoạn mà chính quyền ban hành những chính sách hỗ trợ DN khác nhau.
Hiện tại, thành phố đang tập trung phát triển các ngành du lịch, sản xuất phần mềm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, do đó các DN hoạt động trong các lĩnh vực này được thụ hưởng các lợi ích như: Được miễn giảm chi phí thuê đất sản xuất kinh doanh, được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tuyển dụng lao động khi chuyển đổi công nghệ sản xuất, xúc tiến thương mại,… Chính những chính sách này tác động lớn đến thành quả các DN.
Việc đo lường sự hỗ trợ của chính quyền địa phương dựa trên các chính sách hỗ trợ DN của TP. Đà Nẵng tính đến nay vẫn còn hiệu lực và kế thừa từ các nghiên cứu được thực hiện như Bảng 1.

Đo lường biến cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng của địa phương bao gồm nhiều yếu tố: hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thương mại, điện, nước sinh hoạt, hạ tầng xử lý chất thải,… Những yếu tố này tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN. Một DN được thụ hưởng cơ sở hạ tầng của địa phương tốt, sẽ giảm thiểu được các loại chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh. Bên cạnh đó, với hệ thống hạ tầng cơ sở giáo dục tốt, DN có cơ hội tiếp nhận được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố vô hình tác động quan trọng đến thành quả DN đã đề cập ở nội dung vốn con người, vốn xã hội.
Nhận thức được vai trò quan trọng này, kể từ khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Thành phố Đà Nẵng đã và đang chú trọng đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, từng bước đưa thành phố trở thành thành phố hiện đại, thông mình ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực.
Với các đặc điểm trên, cơ sở hạ tầng của địa phương được đo lường như Bảng 2.

Đo lường biến thành quả hoạt động của DN
Nghiên cứu này xem xét thành quả ở khía cạnh phi tài chính. Việc đo lường thành quả được kế thừa nghiên cứu của Trần Đình Khôi Nguyên & Võ Hồng Tâm (2020).

2.4 Phương pháp chọn mẫu và kỹ thuật xử lý số liệu
Việc thu thập số liệu được tiến hành thông qua Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng, đây là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu thống kê kinh tế – xã hội cho Thành phố và quốc gia, nên nguồn dữ liệu rất đáng tin cậy. Mẫu thu thập được gồm 480 DN bao gồm nhiều loại hình DN, nhiều lĩnh vực hoạt động. Quy mô mẫu thỏa mãn công thức xác định cỡ mẫu của Joseph F Hair (2014).
Các kỹ thuật thống kê gồm những kỹ thuật chính sau:
– Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng Hệ số Cronbatch Alpha.
– Áp dụng phân tích nhân tố để rút trích các biến, nhận diện các biến số mới.
– Phân tích tương quan để kiểm tra mối quan hệ giữa các biến được rút trích và phân tích hồi quy, để đánh giá giả thuyết đã xây dựng.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1 Mô tả đặc điểm của mẫu nghiên cứu
Về loại hình DN, có 40 DN khảo sát là DN tư nhân, chiếm 8,3%; 322 DN là công ty TNHH, chiếm 67,1%; công ty cổ phần là 109, chiếm 22,7% và số DN Nhà nước là 9, chiếm 1,9%. Việc dữ liệu thu về chủ yếu là công ty cổ phần và các công ty TNHH là hợp lý với đặc điểm các DN, trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng (Bảng 3).

Về lĩnh vực hoạt động: Số DN hoạt động trong lĩnh vực du lich, tư vấn và dịch vụ chiếm 45% (216 doanh nghiê), số DN thương mại thuần túy là 140, chiếm tỷ trọng 29,2% và DN sản xuất thuần túy là 84 DN, chiếm 17,5%. Dữ liệu này rất phù hợp với đặc điểm các DN trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tư vấn, thương mại và sản xuất thông thường.

3.2 Kiểm định độ tin cậy của thang đo (Reliability) bằng Hệ số Cronbach’s Alpha
3.2.1 . Kiểm định độ tin cậy thang đo thành quả hoạt động của DN
Thang đo thành quả DN, được đo lường bằng 10 biến quan sát. Kết quả Kiểm định Hệ số Cronbach’s Alpha = 0,885 lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn (0,60) nên thang đo thành quả hoạt động của DN được chấp nhận về độ tin cậy. (Phụ lục số 5)
Với biến quan sát PER1, hệ số Cronbach’s nếu loại biến là 0.889 lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha hiện tại, do đó biến quan sát này cần được loại bỏ khỏi thang đo thành quả.
Sau khi loại biến quan sát PER1, luận án thực hiện kiểm định độ tin cậy thang đo thành quả lần 2. Kết quả như Bảng 4.

Các biến quan sát từ PER2 đến PER10 đều có Hệ số Cronbach’s nếu loại biến đều nhỏ hơn Hệ số Cronbach’s Alpha tổng, nên các biến này đảm bảo độ tin cậy để đo lường thành quả.

3.2.2. Kiểm định độ tin cậy thang đo các chính sách hỗ trợ DN của chính quyền địa phương
Như đã trình bày ở trên, thang đo sự hỗ trợ của chính quyền địa phương được xây dựng gồm 5 biến, dựa trên các chính sách hỗ trợ DN của Thành phố Đà Nẵng hiện đang còn hiệu lực. Do đó, việc kiểm định độ tin cậy của thang đo rất quan trọng. Kết quả kiểm định thể hiện qua Bảng 5, trang 32.
Tương tự như kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo thành quả, thang đo Chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương được chấp nhận về độ tin cậy khi kiểm định Cronbach’s Alpha và toàn bộ các biến quan sát được sử dụng, để thực hiện nghiên cứu tiếp theo.

3.2.3. Kiểm định độ tin cậy của thang đo cơ sở hạ tầng địa phương
Thang đo cơ sở hạ tầng của địa phương được xây dựng gồm 9 biến quan sát. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo cụ thể như Bảng 6.
Hệ số Cronbach’s Alpha là 0.857, nên thang đo biến cơ sở hạ tầng của địa phương được chấp nhận về độ tin cậy, đồng thời không có biến quan sát nào cần loại bỏ ra khỏi thang đo này.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá

3.3.1 Phân tích nhân tố khám phá với biến độc lập
Kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với các biến độc lập lần thứ nhất, biến quan sát Hệ thống siêu thị, chợ của thành phố thuận lợi cho công việc kinh doanh của DN (INFR9) không đạt sự phân biệt nên bị loại.
Kết quả phân tích nhân tố với các biến độc lập lần 2 như Bảng 7, trang 33.
Kết quả phân tích nhân tố khám phá tạo ra 3 nhân tố: Nhân tố thứ nhất được tạo thành gồm các biến quan sát (GOV1, GOV2, GOV3, GOV4, GOV5); Nhân tố này được đặt tên là các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương (GOVS); Nhân tố thứ 2 gồm các biến quan sát: INFR3, INFR1, INFR4, INFR2. Nhân tố này được đặt tên là cơ sở hạ tầng giao thông (TINFR). Nhân tố thứ 3 được tạo thành từ các biến quan sát: INFR7, INFR8, INFR5, INFR6. Nhân tố này được đặt tên là cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ.

3.3.2 . Phân tích nhân tố khám phá với biến phụ thuộc
Sau khi loại bỏ các biến quan sát không đạt được giá trị phân biệt, kết quả phân tích nhân tố khám phá với biến phụ thuộc lần thứ 4 như Bảng 8, trang 33.
Kết quả phân tích nhân tố khám phá với biến phụ thuộc lần thứ 4 tạo ra 2 nhân tố. Hai nhân tố này lần lượt được đặt tên: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ (QPER) và Kết quả kinh doanh (RPER).

3.4. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
Như đã trình bày ở nội dung xây dựng mô hình nghiên cứu mục 2.2 và kết quả phân tích nhân tố khám phá ở trên thì các mô hình thực nghiệm được thành lập như sau:
QPER = β0 + β1GOVS + β2TINFR + β3SINFR + ε
RPER = β0 + β1GOVS + β2TINFR + β3SINFR + ε
Kết quả ước lượng hồi quy tuyến tính OLS cho thấy, cả hai mô hình QPERQ, SPRE đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 0.001, có nghĩa là biến phụ thuộc có quan hệ tuyến tính với các biến độc lập.
Nhân tố các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương tác động thuận đến kết quả kinh doanh của các DN. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi khi DN nhận được các chính sách hỗ trợ này DN sẽ giảm thiểu được rất nhiều chi phí (lãi vay, thuê đất, chi phí xúc tiến thương mại, đào tạo,…) làm lợi nhuận gia tăng. Bên cạnh đó, các DN nhận được sự hỗ trợ xúc tiến thương mại từ chính quyền Thành phố sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận được với các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước phương Tây qua đó DN sẽ gia tăng đáng kể số lượng khách hàng của mình, tăng doanh thu. Giả thuyết H1 được hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Anbani do Kraja và cộng sự (2014), Phan Thị Minh Lý (2011).

Cơ sở hạ tầng của Thành phố tác động thuận đến thành quả hoạt động của DN cả về mặt chất lượng cũng như mặt kết quả kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ sở hạ tầng giao thông tác động thuận thành quả. Nguyên nhân như sau: Kể từ khi Thành phố tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, chính quyền Thành phố đã có rất nhiều chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đến nay có thể nói cơ sở hạ tầng giao thông của Thành phố rất tiên tiến. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể cho các DN trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng. Với sự thuận lợi giao thông này, các DN dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn, tiết kiệm được chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa qua đó lợi doanh thu, nhuận DN được gia tăng.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ tác động thuận đến chất lượng sản phẩm dịch vụ. Điều này được viện dẫn như sau: Với đặc điểm kinh tế – xã hội là một thành phố du lịch thì các yếu tố này tốt sẽ giúp khách hàng của DN nhận được nhiều giá trị gia tăng hơn như: Khách hàng dễ dàng trao đổi thông tin hơn, được sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, an toàn sức khỏe. Kết quả nghiên cứu tương đồng với các nghiên cứu của Phan Thị Minh Lý (2011), Vixathep và Matsunaga (2015).

4. Kết luận
Nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến thành quả hoạt động của DN mà đặc biệt ảnh hưởng của nhân tố các chính sách hỗ trợ DN của chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước của thành phố hiện nay. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nhân tố cơ sở hạ tầng của thành phố là 1 trong những nguồn lực quan trọng, tạo nên sự thành công cho các DN.
Điều này thể hiện sự đúng đắn của chính quyền Thành phố trong việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ DN của Thành phố cũng, đã góp phần tích cực làm gia tăng kết quả kinh doanh của DN.

————————-
Tài liệu tham khảo
1. Bain, J. S. (1956). Barriers to new competition, their character and consequences in manufacturing industries. Harvard University Series on Competion in American Industry.
2. Hansen, H., Rand, J., & Tarp, F. (2009). Enterprise growth and survival in vietnam: Does government support matter? Journal of Development Studies, 45(7), 1048–1069.
3. Joseph F Hair, J. W. C. B. B. J. B. R. E. A. (2014). Multivariate Data Analysis (Seventh). Pearson.
4. Kinyua, A. N. (2014). Factors Affecting the Performance of Small and Medium Enterprises in the Jua Kali Sector In Nakuru Town, Kenya. IOSR Journal of Business and Management Ver. IV, 16(1), 2319–7668.
5. Kraja, Y. B., Osmani, E., & Molla, F. (2014). The Role of the Government Policy for Support the SME-s. Academic Journal of Interdisciplinary Studies, 3(2), 391–396.
6. Mason, E. S. (1939). American Economic Association Price and Production Policies of Large-Scale Enterprise. The American Economic Review, 29(1), 61–74.
7. Mbugua, F., & Moronge, M. (2016). Effects of County Government Policies on the Performance of Small and Medium Enterprise in Kenya : a Case of Kiambu County Effects of County Government Policies on the Performance of Small and Medium Enterprise in Kenya : a Case of Kiambu County. Strategic Journal of Business & Change Management, 3(2), 756–785.
8. Nguyen, H. T. T., Van, H. V., Bartolacci, F., & Tran, T. Q. (2019). The Impact of Government Support on Firm Performance in Vietnam: New Evidence from a Dynamic Approach. Asian Academy of Management Journal, 23(2), 101–123.
9. Nguyễn Quốc Nghi, & Mai Văn Nam. (2011). Factors affecting the effectiveness of business peformance in small and medium sized enterprises in Can Tho city. Journal of Can Tho University, 19b, 122–129.
10. Nguyễn Trọng Cơ, Van Huong Vu, & Francesca Bartolacci. (2017). Government support and firm financial performance: New evidence from a transitional economy aCo. MPRA Paper, (81752).
11 Phan Thị Minh Lý. (2011). Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN vừa và nhỏ ở Thừa Thiên Huế. Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ, Đại Học Đà Nẵng, 2(43), 151–157.
12. Trần Đình Khôi Nguyên, & Võ Hồng Tâm. (2020). Tác động của vốn con người đến thành quả hoạt động của các DN trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Tạp Chí Kế Toán & Kiểm Toán, 11/2020, 29–33.
13. Vixathep, S., & Matsunaga, N. (2015). Entrepreneurial Human and Social Capital in Small Businesses in Vietnam – An Extended Analysis.
14. Zamberi Ahmad, S., & Xavier, S. R. (2012). Entrepreneurial environments and growth: evidence from Malaysia GEM data. Journal of Chinese Entrepreneurship, 4(1), 50–69.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *